Category Archives: Miền đất Hành Thiện

Ngôi làng “cổ tích”

Tên ngôi làng “Hành Thiện” gắn với một câu chuyện đẹp về vị vua có trí và có đức – Vua Minh Mạng. Khi lên ngôi, yêu mến ngôi làng nhỏ có rất nhiều người đỗ đạt cao, người dân chân thật, hồn hậu, chuyên làm điều thiện, vua Minh Mạng đã ưu ái ban tặng cho làng 4 chữ sơn son thiếp vàng: “Mỹ tục khả phong” và đổi tên thành Hành Thiện.

Làng Hành Thiện thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Làng được chia thành 14 xóm, tương đương với 14 khúc trên mình con cá chép, mỗi xóm cách nhau đúng 60 mét (con số này chính xác đến từng milimet). Đây là nét rất độc đáo của ngôi làng cổ này. Bản đồ của làng được lập rất công phu, thể hiện trình độ học vấn và sự uyên thâm của các bậc tiền nhân. Ở chính giữa đầu cá có chữ Miếu, chính là miếu thờ thần dựng làng, xuống dưới một chút là chữ Thị – khu chợ, nơi tụ họp đông đúc, thể hiện nét văn hóa phồn thực của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nhìn về phía cuối bản đồ, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy chữ “Nội tự”, đây là ngôi chùa làng Hành Thiện (có tên gọi khác là chùa Keo Hành Thiện hay Thần Quang Tự).

Tiếp tục đọc

Lễ hội truyền thống Chùa Keo Hành Thiện

Dưới đây là phóng sự Lễ hội truyền thống Chùa Keo Hành Thiện được Sở VHTT tỉnh Nam Định thực hiện vào tháng 3-2007, mời các bạn cùng theo dõi, bài cũng được đăng tại NDOL:

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện được tổ chức vào rằm tháng 9 âm lịch hằng năm tại Ngôi chùa “Thần Quang Tự” hay còn gọi là Chùa Keo để mừng sinh nhật của vị thánh Không Lộ Thiền Sư (Dương Không Lộ).
Độc đáo nhất có lẽ là môn đua thuyền trải: có 15 xóm trong làng tham gia đua thuyền hay gọi là bơi trải, có tất cả 10 người trên thuyền trong đó có 1 người lái thuyền. Bơi trải ở Chùa Keo Hành Thiện Nam Định khác với các nơi khác, họ không ngồi bơi mà 10 người đểu đứng để chèo. Bắt đầu xuất ở trong sông con là sông làng khoảng 5-6km rồi bắt đầu ra đến sông Ninh Cơ nhánh của sông Hồng, bơi 3.5 Vòng sông rồi quay về bắt Têu trong sông con nếu đội nào về đầu thì sẽ dành giải nhất. Trung bình mỗi cuộc thi bơi trải diễn ra từ 3.5 – 4 h đồng hồ) Đây là môn thi đấu cổ truyền rất tuyệt vời đáng được ghi nhớ cũng như lưu trong sử sách của Dân tộc ta, và vẻ đẹp của nói khó ở môn thi nào có được.

Đất khoa bảng, quê mỹ nhân

Những tưởng câu nói: “Bắc Hà, Hành Thiện, Quan Diễn, Quỳnh Lôi” nói về các “miền gái đẹp” như vùng đất sông Lô nhưng hóa ra đây lại là câu vinh danh đất học và khoa bảng. Một làng có truyền thống hiếu học và nhiều người thành đạt, lại là nơi có lắm mỹ nhân…

Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, có một điều bất ngờ đầy thú vị là một người con làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, vùng đất nổi danh khoa bảng trở thành Á hậu 2, đó là Đặng Minh Thu. Trước đấy, hai Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Diệu Hoa (1990) và Nguyễn Thu Thủy (1994) cũng là người quê ở Hành Thiện.

14_duong699Đường vào xóm 7 làng Hành Thiện

Quê hương những người đẹp

Vượt qua thành phố Nam Định khoảng 30 km, chúng tôi có mặt ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường vào một buổi sáng. Trời mưa to nên đường làng vắng lặng, thoảng có người qua thì lại trùm kín áo mưa nên đi mãi mà chúng tôi vẫn chưa có cơ may được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các cô gái làng.

Tiếp tục đọc

Giai thoại về cụ Tả Ao

Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất của cụ Tả Ao là chữa thế đất cho làng Hành Thiện ở Nam Định: cụ đi tới làng Hành Thiện thấy đất làng hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ hiềm con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh. Dân làng nghe cụ nói bèn hậu đãi trà rượu và khẩn khoản xin cụ đặt lại hướng làng. Cụ Tả Ao thấy dân làng tử tế liền chỉ cho làng đào một cái giếng lớn làm mắt cho con cá chép, từ đấy dân làng bắt đầu phát khoa danh, nhất là họ Đặng.

map_ht

Bản đồ làng Hành Thiện được vẽ bởi ông Đặng Văn Lâm

Cụ Tả Ao đi xem đất suốt từ Nghệ Tĩnh ra các làng mạc ở khắp miền Bắc và trong gia phả của nhiều gia đình còn ghi lại những công trình địa lý phong thủy của cụ. Nhiều chuyện khôi hài do quần chúng thêm thắt như chuyện cụ Tả Ao thấy dân làng kia rất xấu tính mà lại xin cụ để kiểu đất nào có thể “đè đầu thiên hạ”, cụ liền tìm cho làng một kiểu đất khiến dân làng dần dần theo nghề “húi tóc” có thể “đè đầu vít thiên hạ” đúng như ý nguyện!

Tương truyền cụ đang đi chơi ngoài bãi biển thấy sóng gió nổi lên ầm ầm biết là hàm rồng 500 năm mới há mồm một lần ở biển Đông, liền chạy về nhà mang cốt mẹ ra định ném xuống hàm rồng, nhưng vì thương tiếc chần chờ nên hàm rồng đóng lại, biển khép êm sóng lặng như trước!

Lúc sắp chết, cụ dặn con cháu khiêng mình ra miếng đất đã định trước là đất địa tiên “nhất khuyển trục quần dương” (một con chó đuổi đàn dê), nhưng không kịp đành dừng lại nửa đường phân kim lựa cho chính mình một miếng đất phúc thần đời đời ăn hương hoa mà thôi.

Theo Trung tâm 24×7

Giáo sư Vũ Khiêu: “Học chữ để làm người!”

Mặc dù rất bận bịu (mỗi ngày phải tiếp tới 15-16 khách, cả khách đã hẹn trước lẫn những người đột ngột tới vì có công việc cần), ông vẫn dành cho chúng tôi trên dưới 30 phút để trò chuyện.

Kẻ sĩ, cũng như những minh quân, càng cao niên càng dễ cảm thấy buồn và thấm thía hơn sự chông chênh của kiếp người có chữ, có chí. Đến như Nguyễn Trãi khi tóc pha sương cũng phải mượn câu thơ của Tô Đông Pha “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” (Người đời mà biết chữ thì nhiều lo lắng hoạn nạn) để hạ một câu tâm sự cháy gan ruột: “Pha lão tằng vân, ngã diệc vân” (Tô Đông Pha từng nói thế, ta cũng nói thế). Nhưng dù từng phải vận hạn thế nào thì một trí nhân đích thực khi đã vượt qua cái mốc “thất thập cổ lai hy” thì cũng nên nhìn xung quanh một cách vô thường, vẫn đắm đuối với những nỗi đời ấm lạnh, nhưng cũng đừng nên quá bi quan mà tổn “thọ lộc” trời cho.

Không hài lòng với hiện tại nhưng nhìn tương lai với những hy vọng – đó có lẽ là cách hành xử duy nhất đúng của các cao nhân trưởng lão. Tôi đã nghĩ như thế sau cuộc trò chuyện với Giáo sư Vũ Khiêu, Anh hùng Lao động thời đổi mới.

Cả làng cùng học

Thưa Giáo sư, ông là người làng Hành Thiện, cái nôi nổi tiếng của rất nhiều tên tuổi sáng chói trong bầu trời chính trị, văn học, nghệ thuật, khoa học Việt Nam. Đất sỏi trạch vàng, các cụ ta ngày xưa từng nói vậy. Có điều gì duy tâm chăng nếu ta giải thích hiện tượng nhiều danh nhân tầm cỡ quốc gia lại tập trung ở một làng nhỏ, đất chật người đông như vậy của tỉnh Nam Định, là ở yếu tố “địa linh nhân kiệt”?

Các bạn nghĩ thế nào, có gì thần bí hay không thì tùy, tôi cũng không biết nữa. Tôi thì tôi chỉ nghĩ rằng, mọi sự đều có tác động từ những nhân tố kinh tế – xã hội…

Tên khai sinh: Đặng Vũ Khiêu. Sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Từng là cán bộ thông tin, tự học mà nên. Từng giữ chức Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học xã hội, Viện trưởng Viện Triết học. Tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có “Cao Bá Quát” (1970), “Ngô Thì Nhậm” (1976), “Nguyễn Trãi” (1980), “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam” (1980), “Bàn về văn hiến Việt Nam” (3 tập, năm 2000)… Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996).

Đất Nam Định cũng là nơi có truyền thống hiếu học, một trong những cái nôi nhân sĩ trí thức lớn nhất của Bắc Bộ. Tuy nhiên, ở Nam Định cũng không nhiều làng lại tập trung được đông các “danh gia vọng tộc” và những tài năng về mọi mặt như Hành Thiện. Tôi cứ mường tượng tới một điều gì đó giống như vận may hay cơ duyên kỳ ngộ mà đất trời mang lại, chứ không chỉ thuần túy do những cố gắng của con người…

Mỗi một làng có một nghề riêng, có đặc sản riêng, hình thành theo các điều kiện khác nhau trong lịch sử. Thí dụ, nổi tiếng về đồ gốm sứ tốt thì là làng Bát Tràng… Hành Thiện là nơi người đông đất hẹp, nghề phụ chỉ có nghề đi học và nghề dệt vải… Ruộng đất rất ít cho nên nông dân ở làng so với tỉ lệ của những nhà trí thức cũng thấp hơn. Từ đấy nên xây dựng được truyền thống hiếu học, gia đình nào cũng thế, không có tiền đi học ở bên ngoài thì học tập dạy dỗ lẫn nhau, cha dạy con, anh dạy em, chú dạy cháu, cứ thế từ đời này sang đời khác…

Tôi nhớ, Giáo sư từng viết về không khí học tập ở làng quê mình thời trước như sau: “Buổi sáng sớm trong vùng ấy đã vang lên tiếng đọc sách của con trai, tiếng đập vải của con gái xen lẫn tiếng sáo diều réo rắt suốt đêm. Con giai cố học giỏi thi đỗ, con gái gìn giữ nết na để phụng dưỡng cha mẹ, để giúp chồng ăn học, dễ dạy con cái nên người:

“Sáng trăng, trải chiếu đôi hàng,

Cho anh đọc sách, cho nàng quay tơ…”

Thực thơ mộng! Lớn lên trong không khí ấy thì không thể không mê nghiệp đèn sách. Tôi muốn nhờ Giáo sư lý giải hộ điều này: Phải chăng là vì một làng mà có nhiều người hiếu học và học giỏi nên vừa tạo được phong trào học hỏi lẫn nhau cũng như thi đua với nhau học tập, dòng họ này với dòng họ khác, người này với người khác… “Con gà tức nhau tiếng gáy” cũng là một kiểu thi đua cổ truyền của Á Đông…

Không có điều kiện để làm những nghề khác nên người làng tôi tập trung vào việc học tập. Đi học và dạy học là một cái nghề phổ biến. Tôi nhớ, ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh là cụ Nghè Đặng Xuân Bảng, chỉ theo học cha mình mà đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (năm 1856)…

Đó là dưới triều vua Tự Đức. Tôi cũng nghe nói thời ấy đỗ Tiến sĩ là khó khăn lắm, không nhiều người được vinh dự đó đâu…

Đúng. Bởi lẽ vua Tự Đức là người thông hiểu Nho học, giỏi thơ văn. Ông tự mình chấm Tiến sĩ, chứ không giao cho ai khác việc này. Khi cụ Đặng Xuân Bảng đậu ông Nghè, đã được vua Tự Đức ban cho biển đề: “Phụ giáo tử đăng khoa”, nghĩa là cha dạy con mà thành đạt! Vẻ vang thế đấy…

Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như cụ Nghè Đặng Xuân Bảng về sau có làm tới chức Tuần phủ tỉnh Hải Dương, rồi lại chuyển sang làm Đốc học tỉnh nhà Nam Định nên người ta hay gọi là Cụ Tuần Đốc…

Đúng thế. Cụ Tuần Đốc về sau cũng mở trường dạy học. Em ruột của cụ cũng từng làm giáo thụ ở phủ Kiến Xương bên Thái Bình. Bởi thế, học trò theo học các cụ rất đông… Con em trong nhà theo học cũng nhiều… Thân phụ của ông Trường Chinh cũng nổi tiếng về viết sách…

Phúc đức tại mẫu

Thế dòng họ Đặng Vũ của Giáo sư thì thế nào? Hình như một người bà con của Giáo sư, lương y Đặng Vũ Chương, có viết hai câu thơ nhắc tới truyền thống của gia đình dòng họ Đặng Vũ: “Một nét văn chương, một nét nhà, Một hồn thơ triết, một đời hoa…”.

Ông cụ trước tôi ba đời tới tuổi 40 mà chưa đỗ đạt gì cả. Về sau, ông cụ lấy một bà bên Trực Ninh làm vợ, tuổi lúc đó cũng gần 30. Xuất giá tòng phu, bà cụ về nhà chồng, chăm lo cho chồng ăn học. Hai cụ sinh được 6 người con, trong đó có hai con gái. Các cụ cũng bắt các con gái của mình phải chăm lo cho chồng ăn học. Hai người con rể của các cụ về sau đều đỗ cao, làm quan to lắm…

Tôi được nghe kể lại, gia đình các cụ hồi đó rất nghèo, cơm chẳng đủ mà ăn, phải ăn kèm cả cám, nhưng con cái trong nhà vẫn rất chí thú học hành. Tất cả 4 người con trai của các cụ về sau đều đỗ cử nhân hết, làng gọi là “tứ tử đăng khoa”… Trong chuyện này cần phải nói rằng, không chỉ nhờ cha dạy con mà còn ở phần rất lớn nhờ vai trò của bà mẹ dệt vải suốt ngày suốt đêm để nuôi chồng con ăn học. Phúc đức tại mẫu. Người đàn bà có vai trò rất quan trọng để tạo dựng nên truyền thống hiếu học của một làng quê. Các cô gái ở làng ngày xưa cũng thường chọn những người có chữ để lấy làm chồng…

Theo Hồng Thanh Quang

Công An Nhân Dân

Nguồn Dân trí

Ngày Lễ hội Làng Hành Thiện tại Paris

NGÀY LỄ HỘI LÀNG HÀNH THIỆN PARIS

Bình Huyên

Hội làng Hành Thiện do ông Đặng Vũ Nhuế làm chủ tịch. Ông sinh năm 1925, du học từ năm 1948. Ông là nhà khoa học, khảo cứu văn học, và dịch giả. Chính ông đã chuyển tác phẩm “Truyện Kiều và Tuổi Trẻ” của Giáo sư Phạm thị Nhung và Lê Hữu Mục sang Anh ngữ. Mỗi năm, một buổi hội làng được tổ chức, gồm có:

  • Tế lễ Thành Hoàng của làng
  • Thuyết trình văn hoá
  • Tiệc trà
  • Văn Nghệ

Khi được mời với tư cách thân hữu, người đến tham dự không phải đóng tiền. Ban tổ chức không nhận bất cứ quà gì, kể cả hoa. Hội làng Hành Thiện không dành riêng cho những người gốc làng Hành Thiện, mà chung cho mọi người đến từ ba miền Việt Nam. Làng Hành Thiện là biểu tượng về truyền thống văn hoá và hội làng. Hội viên đóng niên liễm 25 euros, góp vào việc in báo Hành-Thiện (mỗi năm 03 cuốn), chuẩn bị tiệc trà, và thuê phòng Khánh Tiết của tỉnh (thường là tỉnh Ivry-Sur-Seine ở sát Paris về hướng đông-nam, Métro “Station Mairie d’Ivry”).

Tiếp tục đọc

Đình làng Hành Thiện

Làng ta có một ngôi Đình, nguyên trước chỉ dùng để làm nơi hội họp và tuyên đọc 10 điều của nhà Vua ban huấn cho dân chúng nghe chứ không dùng để thờ Thần như Đình các làng khác.

Đình ở ngay bên sông con phía giữa làng, giáp với làng trong, lâu ngày bị hư nát, năm Thành Thái thứ 16 (1904) cụ Tổng đốc Đặng Đức Cường và cụ Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn cúng tiền để tu lý lại (Cụ Đặng Đức Cường cúng 1000 quan tiền, cụ Nguyễn Duy Hàn cúng 500 đồng bạc), làm bằng gỗ lim lợp ngói, chung quanh xây gạch.

Trong Đình có treo 1 cái biển khắc chữ “Mỹ Tục Khả Phong” của triều vua Tự Đức ban cấp năm Tự Đức thứ 16 (1861).

Câu đối treo ở Đình:

Kinh thủy tô sơ công, thử thức quách, thử viên dung, rĩ hữu niên vu tu thổ.
Thái bình đa hạ nhật ngã nhân dân. Ngã phụ lão, tương giữ lạc vu thử đình.

Mười điều ban huấn là:

1. Đôn nhân luân,
2. Chính tâm thuật.
3. Thượng tiết kiệm,
4. Hậu phong tục,
5. Huấn tử đệ
6. Vụ bản nghiệp,
7. Sùng chính học,
8. Giới dâm thắc,
9. Thận pháp thủ,
10. Quảng Hành Thiện.

Theo Hành Thiện Xã ChíĐặng XuânViện

dinhhanhthien02Sân Đình làng Hành Thiện

dinhhanhthien03Nhà Bia

dinhhanhthien01Đình chính

Làng Hành Thiện xưa và nay

Từ thành phố Nam Định phải đi một chặng xe buýt, rồi một cuốc xe ôm theo con đường trải nhựa phẳng lì, men theo những cánh đồng đang vào mùa gặt, mùi khói rơm rạ thoang thoảng khắp không gian, chúng tôi đến làng Hành Thiện, thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường. Hành Thiện là một vùng đất nổi tiếng hiếu học, đất quan và cũng chính trên mảnh đất này đã sinh ra cố Tổng bí thư Trường Chinh.

05-lang-hanhthien-33507-300 Làng Hành Thiện như một thị trấn nhỏ, nhà cửa cao tầng san sát, đường làng lát gạch đỏ au trong nắng vàng, chợ búa tấp nập, hai bờ kênh được kè đá sạch sẽ, những rặng liễu bình yên rủ bóng ven bờ. Từ bên này kênh nhìn sang, làng Hành Thiện giống như con cá chép quẫy lên. Có lẽ khi lập làng, các cụ xưa đã muốn con cháu sau này luôn ở tư thế đi lên. Làng có hơn 10 xóm, mỗi xóm là khúc của thân con cá, các xóm đều thông nhau, có thể len lách từ xóm này sang xóm nọ theo đường tròn. Những con đường liên thông đó được ví là sợi dây liên kết tình làng nghĩa xóm. Hành Thiện mang trong nó đặc trưng khá rõ nét của làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ và những nét đẹp của văn hóa làng quê truyền thống Việt Nam. Bản hương ước xưa của làng vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Trong đó có một quy ước là định hướng con em theo việc học. Việc học được quan niệm trước hết là để học làm người, biết đối nhân xử thế, có đạo nghĩa, và sau đó học cũng chính là một nghề. Cũng bởi vậy, ngoài việc là nơi sinh ra nhiều người tài thì Hành Thiện còn là mảnh đất mà cuộc sống luôn an bình, mọi người yêu quý tôn trọng lẫn nhau. Điều này có thể thấy ngay khi bước vào làng Hành Thiện, một cảm giác bình yên, người dân hiền hoà, chăm chỉ. Điều đặc biệt khi đặt chân đến đây là các thiết chế văn hóa truyền thống vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn. Hiện làng vẫn còn hàng trăm ngôi nhà cổ, có nhiều ngôi nhà đã được công nhận là di tích cổ, có giá trị. Nhiều miếu thờ, văn chỉ, võ chỉ trải qua thời gian đã bị xuống cấp, sụp đổ nay được khôi phục lại, trong đó có chùa Keo nổi tiếng, là điểm đến của khách thập phương…

Có thể nói, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự biến động của xã hội, thật đáng quý là Hành Thiện vẫn giữ lại cho mình những thiết chế văn hóa cũng như những nét đẹp truyền thống của một làng quê Việt Nam xưa. Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những nét đẹp truyền thống đó được người dân Hành Thiện nâng niu, gìn giữ và phát huy để tiếp tục phát triển. Hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, làng Hành Thiện luôn đi đầu và là một trong những làng quê văn hóa tiêu biểu của cả nước. Làng được công nhận là làng văn hoá cách đây 8 năm. Trong làng có 1.200/1.621 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, mọi người trong làng yêu thương chia sẻ, giúp đỡ nhau, mọi đóng góp đối với địa phương đều thực hiện đầy đủ, kinh tế từng hộ ổn định. Ông Nguyễn Vũ Thịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng cho biết: Làng Hành Thiện luôn được xem là điển hình gương mẫu trong thực hiện xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, gia đình văn hoá.
Rõ ràng từ nền tảng đã được gây dựng từ xa xưa, với thái độ trân trọng, giữ gìn và biết phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, người dân Hành Thiện đã xây dựng ngôi làng của mình trở thành một điển hình, hiện thân của truyền thống và hiện đại. Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học làng Hành Thiện Nguyễn Đăng Hùng cho biết: So với các nơi khác cuộc sống của làng khá bình yên, ít khi xảy ra va chạm và những tệ nạn hầu như không có, đời sống ngày càng đi lên, khá giả. Tôi tin rằng, chúng tôi có được điều này chắc chắn đó là do làng có một truyền thống hiếu học, tôn trọng đạo nghĩa. Nó là nền tảng, cội nguồn của mọi nét đẹp khác.

Đinh Thị Loan

Nguồn Người đại biểu Nhân dân

Hai chùa Keo

Theo lịch sử thì chùa Keo nguyên ở trên đất Giao Thủy, cạnh sông Cái, có từ năm 1061. Năm 1611, nước sông dâng cao làm ngập khu vực chùa. Người dân vùng Keo dựng hai ngôi chùa mới, một là Keo Trên ở Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình ngày nay và chùa kia là Keo Dưới ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định vào khoảng năm 1630. Cả hai ngôi chùa đều thuộc hàng những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.

Chùa Keo Duy Nhất

Đây là ngôi chùa cổ lớn nhất Việt Nam cho đến đầu thế kỷ 21, tính về số gian: 17 tòa, 128 gian trên diện tích 5,8ha. Chùa có kiến trúc cao rộng chứ không thấp, tối như nhiều chùa cổ khác. Vì thế những tòa chính điện to bằng cỡ những tòa đại đình. Chùa cũng có những chạm khắc tinh xảo và giàu sức sống. Chùa nằm ở cạnh đê sông Hồng, xung quanh là ba bốn nhà thờ. Chùa có lớp lang theo lối tiền Phật hậu Thánh, thờ Sư Không Lộ (Nguyễn Minh Không), ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam.

tam-quan-noi-chua-keo

1. Tam quan nội. Chùa có hai tam quan, bên ngoài là một tòa kiểu chữ nhất mái cong không xây tường bao. Tam quan nội có vẻ đẹp bình dị, lại gần thì rất xinh xắn do tỉ lệ cân đối. Sinh viên kiến trúc khi học môn cơ sở kiến trúc có một bài vẽ mặt bên tam quan này. Hai bên tam quan còn có hai cửa ngách xây bằng gạch

cua-tam-quan-keo-vu-thu

2. Cánh cửa tam quan nội. Đây có lẽ là cánh cửa đẹp nhất trong số các cánh cửa kiến trúc cổ Việt Nam. Chủ đề chính chỉ là hai con rồng nhưng những trang trí lửa hóa long, sóng nước và vân mây sinh động làm cho tấm gỗ như gấm. Thêm vào nữa là cánh cửa khá lớn (cao 2m), mặc dù nhìn từ xa thì tòa tam quan không lớn lắm. Cánh cửa này gần đây được đền Đô copy lại làm cửa tam quan mới.

chua-keo-vu-thu

3. Sau tam quan nội là đến một bãi rộng, rồi đến tiền đường. Tòa nhà năm gian hai chái to như cái đình, hai bên là giải vũ. Vẻ nhịp nhàng và hoàn thiện của các tòa nhà khiến chùa Keo trông rất bõ công để thăm viếng.

cham-canh-bia-chua-keo4. Hai tấm bia ở hai bên tòa tiền đường là hai tấm bia tuyệt đẹp với chạm khắc lộng lẫy cả bốn diện. Đặc biệt, bia đứng trên những cánh sen xếp lớp thay vì rùa.

canh-sen-chan-bia-chua-keo

Trên mỗi cánh sen lại có hoa văn tinh xảo. Thời gian làm mòn đi nhiều nhưng vẫn thấy vẻ tuyệt tác.

nha-tien-te-chua-keo5. Tòa trung đường lại theo lối không có mái đao mà hai đầu hồi lại có giá kèo hai tầng (gọi là giá roi). Những chống chéo ở đây có lẽ làm cho hệ bảy hiên vuông góc đỡ cứng. Chú ý là ngày xưa dùng đinh sắt có mũ hình bông hoa thị (những cái đinh đóng ván gỗ diềm đầu hồi). Công trình vừa mộc mạc nhưng lại “ăn chơi” – những chỗ “mềm” của kết cấu gỗ đều có trang trí chạm khắc. Trong khi đó, song cửa đơn giản với hàng song đan mau và vách bưng ván lụa âm dương. Vì thế vẻ đẹp có sự tự hào của kẻ biết chơi.

tay-chong-con-son-nha-tien6. Những cái chống chéo rất công phu, và những tầng tầng lớp lớp khối gỗ kê lên nhau cho thấy dựng được cái mái này là cả một nghệ thuật. Vì những khối gỗ khá to, chứ không chẻ nhỏ như mái của Tàu. Nhìn lại gần mới thấy những song cửa cũng không vuông đơn thuần: ở đoạn giữa, chúng được bào vát lượn góc cho nhỏ lại.

dau-hoi-hau-cung-chua-keo7. Tòa thiêu hương. Kiến trúc cổ nằm giữa cây xanh nên mang vẻ rất thanh nhàn. Tổ hợp trang trí trên mái nhuần nhuyễn và buông mảng lớn cho diện mái và tường vách gỗ bên dưới.

hien-chua-keo-18. Tiếc là không còn lưu đủ ảnh để làm ví dụ, nhưng ở trong chùa có những góc nhỏ xinh thế này. Không hoa mỹ bằng Bút Tháp nhưng có cái vẻ khỏe mạnh của nét đơn giản.

ban-tho-chua-keo 9. Không Lộ thiền sư sinh năm 1065, là Quốc sư nhà Lý. Nhiều nơi thờ, trong đó có đền Lý Triều Quốc Sư ở phố Lý Quốc Sư và chùa Thần Quang, Ngũ Xã, Hà Nội. Chùa Thần Quang này có pho tượng đồng A Di Đà to nhất VN, cao 4m, nặng 12,3 tấn. Làng Ngũ Xã trước đây nổi danh đúc đồng, giờ thường người ta phải về Đồng Xâm, Thái Bình để đúc. Ai nghe bài Nắng ấm quê hương của Vũ Thanh chắc cũng biết câu: Cho anh về quê mình, cùng làm lúa cùng trồng đay, cùng dệt cói cùng đan mây. Tay em chạm vàng, tay em khảm bạc, làm giàu cho quê hương, Thái Bình ta đó, mà lòng anh yêu thương… Làm giàu thật. Đúc chuông bây giờ đang cực đắt hàng. Mỗi quả chuông cao 70cm có giá chừng chục triệu. Còn loại khổng lồ đua nhau lớn nhất VN thì khỏi nói. Nhưng quan trọng là đúc xong, đánh phải kêu.

la-han-chua-keo10. Cũng tượng La Hán, nhưng ở chùa Keo có vẻ không sôi động lắm. Trông ông kia mới chán đời chứ.

gac-chuong-chua-keo-311. Gác chuông chùa Keo được xem như điểm nhấn của quần thể, đóng lại không gian chung. Những kết cấu gỗ chồng rường dưới mái có ảnh hưởng của kiến trúc Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng ở đây các đầu dư thưa hơn, tạo thành các cụm. Độ cong của mái đao vẫn là kiểu Việt Nam, cong nhờ tầu mái và ở phần giữa vẫn dốc đều chứ không cong toàn bộ như hai nước kia. Những đầu dư vươn ra cũng tranh thủ uốn cong, làm cho các góc giao nhau như bông hoa nở. Chùa Bối Khê cũng có gian hậu cung kết cấu mái chồng rường giống thế này. Nhưng gác chuông chùa Keo với độ cao của nó thì chưa có chùa nào gây ấn tượng bằng. Thêm nữa, trang trí chạm khắc gỗ rất hoa mỹ mà không sơn phết khiến kiến trúc này tựa như một công trình điêu khắc từ một khối thô mộc – những ai hâm mộ kiến trúc thô mộc và biểu hiện sẽ kết loại này.

gac-chuong-chua-keo-2

gac-chuong-chua-keo-1

12. Hai bức ảnh này chụp hồi năm 2006, khi đó người ta đang sửa. Những công phu thế này phản ánh một đặc điểm của người Việt xưa: những gì đẹp đẽ tài hoa đều chỉ nhỏ xinh và vừa vặn. Tôi khó lòng tin rằng những tính từ mô tả “cao vài trăm trượng tới mây xanh”, “tháp ngọc lưu ly, cung vàng điện ngọc san sát” là tả thứ có thực hoặc đẹp hơn thế này. Dễ hiểu bởi vì kết cấu gỗ phụ thuộc cây gỗ, vốn cũng chỉ dựng được những tòa đại đình vài gian hàng ngang là kịch kim, cũng như chiều cao hai ba tầng là hiếm hoi thấy xuất hiện. Thêm nữa, gần như thế kỷ nào cũng có loạn lạc, chiến tranh, con người không thể yên ổn mà làm nổi những gì to lớn hơn cái đã có. Cửu Trùng Đài với Vũ Như Tô là một câu chuyện đáng buồn cho tham vọng của người Việt.

goc-trong-gac-chuong-chua-k13. Kết cấu gỗ ghép khít vào nhau. Nhưng vì thế mà trong lòng gác chuông khá tối và thấp. Người ta đã trùng tu dùng ngói chiếu có hình ngôi sao – là ngói bây giờ. Sao không dùng cái ngói nào có hình hoa gì mà lại là ngôi sao, tân kỳ thế?

ben-trong-gac-chuong14. Mấy người đi cùng thắc mắc: đã mất công làm gác chuông đẹp thế mà sao bên trong lại chật, thấp và cầu thang khó leo thế. Chú ý là đến con kê thanh xà treo chuông ở dưới cũng chạm hoa văn. Rất trau chuốt.

chuong-chua-keo

15. Gác có hai quả chuông. Qủa chuông to và dáng hơi khum này có hẳn một bài minh dài. Chuông cao phải đến 2,5m (so sánh với chân người mặc quần bò bên dưới). chiem-nguong-nghe-thuat

16. Trên tầng 3. Rất thấp nên chỉ có thể ngồi khom khom. Qủa chuông này nhỏ hơn.

Phía sau gác chuông, là khu vực nhà Tổ và nơi ở của sư sãi. Những công trình này mới xây, hoàn toàn không có gì đáng kể so với những gì phía trước. (…)

Chùa Keo Hành Thiện

Chùa Keo Hành Thiện có lẽ làm sau chùa Keo Duy Nhất một chút. Chùa chỉ ít hơn ngôi chùa kia số gian và số tòa – 13 tòa và 121 gian. Chùa còn nguyên vẹn và bề thế, mặc dù có cấu trúc không gian giống chùa bên Thái Bình nhưng có những nét khác biệt về kiến trúc. Hai ngôi chùa nếu tính theo đường chim bay chỉ cách nhau chừng 2-3km ở hai bờ sông Hồng.

voi-da-keo-hanh-thien

1. Trước tam quan ngoại là đôi voi đá. Con voi có cả ngai, nhưng trông giống voi truyện tranh của họa sĩ Tạ Thúc Bình hay Mai Long ngày xưa, kiểu voi thiếu nhi biết căm thù giặc và yêu nước. Tiếc là cặp ngà đã bị gãy. Những hoa văn trên ngai và diềm cổ rất đẹp, quả chuông còn được chạm lệch. Chú ý chân voi khía hình cánh hoa!

bia-da-keo-hanh-thien2. Con rùa đội bia thì lại tả thực quá. Cảm giác ở đây rất thanh bình, mùi rơm rạ và gió đồng thổi hây hây.

tam-quan-keo-hanh-thien3. Gác chuông này theo lối chồng diêm, đóng vai trò của tam quan nội. Người ta giữ được chất lượng rất tốt, chỉ ghét cái cột điện trồng ngay cạnh mái đao. Hồ bán nguyệt thoáng sạch chứ không đục lờ như những chùa Bắc Ninh đã đi.

tam-quan-keo-hanh-thien-2Cái màu ngói và dáng đầu đao thật đẹp. Đây là một ngôi chùa gây ấn tượng hoàn hảo cho mình.

tam-quan-keo-hanh-thien-3 4. Buổi chiều bình yên của làng quê Bắc Bộ. Hi vọng người ta không xây những ngôi nhà cao tầng xung quanh, để tôn được hình ảnh kiến trúc này.

tam-quan-chua-keo-hanh-thie5. Thật buồn cười vì mãi vẫn chưa đi khỏi cái tam quan, chỉ vì nó có nhiều góc hay ho.

tran-bia-keo-hanh-thien 6. Ở tầng dưới là hai tấm bia. Trán trán bia có chạm hai hình Quan Thế Âm (hay tiên) cưỡi rồng chầu mặt nguyệt.

bia-co-mai-hanh-thien7. Tấm bia bên kia thì có mũ với chạm khắc rất lộng lẫy. Đặc biệt những dây hoa cúc ở hai bên diềm thật tinh vi. Tay người khắc như múa vậy, vì những nét ở đây mảnh và mịn như dệt lụa.

vi-keo-tam-quan-hanh-thien 8. Tiếc là tấm ảnh hơi nhòe, nhưng để thấy được kết cấu chồng rường trên nóc, đặc trưng của thời Hậu Lê. Những con kê và đầu xà cũng uốn lượn, dùng chính cả khúc gỗ làm chi tiết trang trí trong tổng thể luôn. Giống như một ổ rồng đang quấn quýt đỡ mái.

gac-chuong-keo-hanh-thien9. Bên này treo chuông, bên kia là khánh. Gác chuông rộng rãi và phong quang, thể hiện đẳng cấp của ngôi chùa đặc biệt.

khanh-keo-hanh-thienCái khánh ít trang trí nhưng khuôn nét cực sắc sảo.

tien-duong-chua-keo10. Tòa tiền đường không hiểu sao lại có đường giọt gianh hơi vồng lên ở giữa. Có vẻ như thời sau xây thêm hai cổng ngách vì kiến trúc mái vữa bằng ngói ống là đặc trưng của thời Nguyễn. Những cái lỗ trên các cối đá giữa sân là nơi cắm lọng cho ngày lễ hội.

chan-cot-keo-hanh-thien11. Gạch hoa đời sau viền theo đá tảng chân cột. Tuy đơn giản nhưng cho thấy nếu dụng công, hoàn toàn chấp nhận được. Viên gạch hoa cũng là kiểu cổ, và đường viền cũng rất khéo.

thieu-huong-keo-hanh-thien12. Tòa thứ nhất của khu tam bảo. Ở chùa này, cụm tam bảo chữ công có lối vào lại từ ống muống ở giữa. Nên tượng thờ sẽ quay lưng về mặt trước này. Tỉ lệ của tòa này cân đối, xinh xắn quá. Mái cong bốn góc có cái hay là với số gian ít hay nhiều đều hài hòa, có lẽ là vì độ thấp của nó, không vươn cao quá, cũng như màu sắc trầm của ngói mũi hài.

cham-tro-keo-hanh-thien13. Thật tuyệt đẹp! Không hiểu sao mình thực sự sung sướng (cảm động nữa) khi tận mắt nhìn thấy những chạm trổ này. Như thể người ta vẽ một bức tranh bằng thớ gỗ vậy. Mà nhất là không có màu gì ngoài màu gỗ (có quét dầu chống mối). Tỉ lệ hoàn hảo, đặc rỗng và to nhỏ thật kinh điển.

vi-keo-keo-hanh-thien-314. Còn đây là những chỗ tuy hơi phô trương nhưng cũng thật đẹp.

vi-keo-keo-hanh-thien-2

vi-keo-keo-hanh-thienNgười ta sơn lên khá cầu kỳ bằng sơn ta, khói nhang đã làm xỉn đi nhiều. Không biết có đồ án hay không, chứ phải nói là tâm thế người thực hiện phải rất sáng sủa để khớp tất cả lại với nhau.

ca-go-keo-hanh-thien15. Con cá làm mõ đã bị mục, thật tiếc. Trên mình nó còn những chi tiết chạm điệu nghệ.

Chùa Keo Hành Thiện có lẽ ít người đến hơn Duy Nhất. Nếu đến thì nên tới vào mồng một hoặc rằm, thì có thể vào trong các tòa để xem và chụp tượng. Khi tôi đến thì chỉ được xem loanh quanh bên ngoài và ngó bên trong chút ít.

Nguồn blog Nguyễn Trương Quý

Một thoáng văn hóa Hành Thiện

Tôi đi chùa đã nhiều, chiêm ngưỡng cảnh Phật cũng nhiều, nhưng đến chùa Keo Hành Thiện lại mang một cảm giác khác, suy nghĩ khác, nhất là được nghe những chuyện kể về vị Thiền Sư Dương Không Lộ – người có học vấn uyên thâm về Phật Pháp và đã tu luyện thành thần tiên và còn bao nhiêu chuyện lạ về ông… càng nghe càng kính phục, càng ngưỡng mộ về con người huyền thoại này.
52e17d3dcc

GS Vũ Khiêu giới thiệu về lịch sử dòng họ Đặng – Vũ

TỪ ĐƯỜNG HỌ ĐẶNG – VŨ
Chúng tôi nhận lời mời của GS anh hùng lao động Vũ Khiêu về dự lễ khánh thành nhà từ đường của một chi họ Đặng Vũ ở làng Hành Thiện. Đây là một làng cổ nổi tiếng, nơi đã sinh ra cố Chủ tịch nước, cố Tổng Bí thư Trường Chinh và cũng là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa họ Đặng Vũ, trong đó có GS Vũ Khiêu, người anh hùng lao động uyên bác vào bậc nhất, cũng là người trí thức cao niên nhất, hiện còn khoẻ mạnh dù đã 94 tuổi đời.
Sau hai tiếng đồng hồ vượt 130 cây số đường trường, chúng tôi đã đến điểm tập kết – UBND Huyện Xuân Trường, một huyện đường to đẹp không kém gì một số tỉnh đường khác. Tiếp chúng tôi là Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Minh Oanh, cùng bí thư, chủ tịch huyện Xuân Trường. Tất cả đều nhiệt tình mến khách, thể hiện rõ phong cách con người đất thành Nam. Chúng tôi được nghe Chủ tịch Trần Minh Oanh nói về niềm tự hào của vùng đất khu 3 nói chung và Nam Định nói riêng, nơi mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nơi mà đã có hàng triệu người tham gia ở các chiến trường miền Bắc cũng như miền Nam, cũng là nơi khởi nghiệp của vương triều Trần với hào khí Đông A… Nam Định, đất Văn hiến ngàn năm, cái rốn của văn hoá sông Hồng, có Phủ Thiên Trường với biết bao danh lam thắng cảnh, danh nhân nổi tiếng, nơi có nghệ thuật chèo, có múa rối nước, ca trù, hát chầu văn, múa lục cúng và có cả nghệ thuật hiện đại nữa.
Chúng tôi tiếp tục đến làng Hành Thiện cách cơ quan huyện Xuân Trường sáu cây số. GS Vũ Khiêu ra tận cưả đón khách. Ngôi nhà từ đường thuộc một chi họ Đặng – Vũ vừa mới được khôi phục lại theo kiểu dáng cũ, gồm hai gian, hai chái và một sân rộng, cây cỏ xanh tươi. Gian bên trái là thờ một nhà nho yêu nước, Cụ cử nhân Đặng Vũ Lễ người đã đào tạo rất nhiều học sinh theo cụ Phan Bội Châu sang Trung Quốc và Nhật Bản. Gian bên phải là phòng lưu niệm di vật của những người con yêu nước của Cụ, đặc biệt là con rể Cụ, là nhà cách mạng Phạm Tuấn Tài, người cùng Nguyễn Thái Học sáng lập ra Quốc dân Đảng, sau trở thành liệt sỹ cộng sản. Gian naỳ cũng đồng thời là nơi lưu giữ những kỷ vật và tài liệu quý của GS Vũ Khiêu.
Buổi lễ khánh thành nhà truyền thống của chi họ được tiến hành gọn nhẹ và trang nghiêm, sau lễ dâng hương, GS Vũ Khiêu nói về lịch sử dòng họ Đặng Vũ mà ông Tổ là gốc họ Vũ và con nuôi họ Đặng. Đây là sự ghép hai họ Vũ và họ Đặng để ghi ân của người sinh và người dưỡng, một cách làm hơi khác lạ, nhưng lại thể hiện được truyền thống văn hoá Việt:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

THĂM CHÙA KEO HÀNH THIỆN
Nói đến Hành Thiện là nói tới chùa Keo, di tích văn hoá được toàn quyền Đông Dương liệt vào “cổ tự” (1952) và được Bộ văn hoá Việt Nam dân chủ Cộng hoà xếp hạng quốc gia từ năm 1962. Đây là ngôi chùa cổ vào bậc nhất được xây dựng từ thời Lý và cũng có nhiều cái nhất về kiến trúc, truyền thuyết, về tính thiêng liêng và huyền thoại ly kỳ… Vì thế mà giáo sư khuyên chúng tôi nên đi thăm chùa Keo.
Ông trưởng ban quản lý di tích đã cao niên nhưng còn nhanh nhẹn và nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm chùa. Keo cách đó chừng hơn một cây số. Ông cho biết: Trên đầu tư cho chùa hai tỷ đồng để trùng tu toàn bộ Tháp Chuông và hai dãy hành lang. Công việc đang gấp rút hoàn thành cho kịp ngày khai mạc lễ hội vào 15 tháng 8 ÂL. Ông giải thích: Chùa Keo còn gọi là chùa Thần Quang (Thần Quang Tự), chùa được xây dựng từ thời Lý nhưng năm tháng vật đổi sao dời, thiên tai tàn phá nên chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu phục dựng như bài ký trùng tu đã ghi:

Phía trước dùng xà giang chầu vào bao la vạn khoảnh
Phía sau sông Hoàng Giang vòng lại bát ngát ngàn tầm
Bể Nam Hải uốn quanh từng khúc phô hình dải lụa xanh
Dãy rừng cây tua tủa vươn cao như búi tóc mây sắc lục

Thiên tai tàn phá, thậm chí dạt cả một bộ phận người làng Dũng Nhuệ sang bên kia sông Hồng về đất Vũ Thư Thái Bình để sau đó họ lại xây dựng một chùa Keo khác thành “Chùa Keo Dũng Nhuệ” và đều thờ chung một vị thánh Không Lộ, tức Khổng Minh Không. Từ xa đã nhìn thấy chùa Keo Hành Thiện được xây dựng trên một khu đất rộng mênh mông, cảnh quang thật đẹp như bài minh trên bia chùa Thần Quang đã mô tả:

Biển xanh ở phía Đông
Sông Hồng quanh phía Bắc
Phía Nam sông bao bọc
Nước lững lờ chảy quanh
Phía Tây núi dựng thành
Rừng xanh xanh trùng điệp.

Cảnh chùa thật hùng vĩ và hữu tình không chê vào đâu được.
Chùa Keo xây theo luật Tiền Phật, Hậu Thánh. Toà phía trước thờ Phật, toà phía sau thờ Thánh, hai dãy hành lang tả hữu kéo dài hàng trăm mét nay được dỡ ra làm mới hoàn toàn bằng gỗ lim vàng óng.
Trước khi bước vào nội thất ngôi chùa, ta được chiêm ngưỡng gác Chuông cao tầm 8 mét, với 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng có chạm khắc hoa văn cánh sen nở, thể hiện cái kỳ vĩ của một công trình Phật giáo có một không hai. Gác chuông này cũng đang được trùng tu cho đồng bộ với hai dãy hành lang, chắc chắn sẽ làm thoả mãn khách hành hương trong kỳ lễ hội chùa Keo năm nay và những năm tới. Nối tiếp với Tháp Chuông là một không gian rộng lớn nơi bày những hiện vật như voi, ngựa, kiệu các loại, thuyền bơi chải để phục vụ lễ hội bên ngoài chùa.
Bước vào toà Tam Bảo, tôi thật sự kinh ngạc trước những pho tượng Đức Di Đà, Quan Thế Âm Đế Chí, tượng vua Đế Thích, rồi tượng Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu Nam Tào, tượng Hộ Pháp… Tiếp theo là tầng tầng lớp lớp tượng Phật thật sinh động và uy nghiêm, nhất là khi có tiếng chuông chùa rung lên đâu đó và ngân vang trong cảnh hoang tịch thiêng liêng thì người ta cảm thấy như các pho tượng đang “nói chuyện” với mình…
Tôi đi chùa đã nhiều, chiêm ngưỡng cảnh Phật cũng nhiều, nhưng đến chùa Keo Hành Thiện lại mang một cảm giác khác, suy nghĩ khác, nhất là được nghe những chuyện kể về vị Thiền Sư Dương Không Lộ – người có học vấn uyên thâm về Phật Pháp và đã tu luyện thành thần tiên và còn bao nhiêu chuyện lạ về ông… càng nghe càng kính phục, càng ngưỡng mộ về con người huyền thoại này.
Cảm ơn giáo sư, anh hùng LĐ Vũ Khiêu, người con ưu tú của Hành Thiện đã tạo cho tôi cơ hội được đến với mảnh đất địa linh nhân kiệt, được nghe, được nhìn những gì về quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ về di tích văn hoá, về con người văn hoá Hành Thiện nổi tiếng từ xưa.

Nam Định – Hà Nội 04/09/2008

Nguồn Văn hiến Việt Nam